Tính chất, màu sắc của khí hư khi mang thai có thể có nhiều thay đổi và là yếu tố phản ánh nhiều vấn đề về sức khỏe của mẹ bầu trong thai kỳ. Chính vì thế, việc hiểu rõ khí hư khi mang thai có màu gì, như thế nào là bình thường sẽ giúp mẹ bớt lo lắng và sớm phát hiện các bất thường.
Ra khí hư nhiều khi mang thai là tình trạng rất thường gặp. Không những vậy, tính chất và màu sắc khí hư mà bà bầu có thể gặp phải cũng rất đa dạng. Chẳng hạn bà bầu có thể bị ra khí hư màu trắng sữa, ra khí hư màu vàng khi mang thai, ra khí hư màu nâu khi mang thai và thậm chí là ra khí hư màu xanh. Vậy khí hư khi mang thai có màu gì là bình thường? Khi nào là bất thường và cần đi khám?
Khí hư khi mang thai có màu gì? Tính chất như thế nào?
Bà bầu ra nhiều khí hư khi mang thai chủ yếu là do sự thay đổi của hormone progesterone trong cơ thể. Thậm chí, việc ra nhiều khí hư còn là cách để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng lan từ âm đạo vào tử cung trong thai kỳ.
Khí hư khi mang thai bình thường sẽ có màu trắng trong, trắng sữa, hơi ngả vàng hoặc có màu vàng nhẹ, có thể nhầy như lòng trắng trứng, dính hơn bình thường, không có mùi hoặc mùi nhẹ. Việc ra khí hư này cũng không làm mẹ bầu thấy khó chịu, ngứa ngáy hay có bất kỳ triệu chứng nào khác.
Lượng khí hư khi mang thai sẽ ra nhiều hơn bình thường. Ra nhiều khí hư còn có thể là dấu hiệu mang thai sớm bởi sau khi thụ thai 1 – 2 tuần thì dịch âm đạo đã bắt đầu có sự thay đổi. Trong thời gian mang thai, khí hư vẫn tiếp tục xuất hiện và bạn có thể thấy sự hiện diện của nó trên quần lót.
Tam cá nguyệt thứ 3 là lúc khí hư ra nhiều nhất. Tình trạng khí hư ra nhiều khi mang tháng cuối thường là do kích thước thai tăng mạnh gây chèn ép lên vùng chậu của mẹ.
Khí hư loãng như nước khi mang thai tháng cuối có thể là do bị rò rỉ một ít nước ối. Ngoài ra, khí hư giai đoạn này cũng có thể đặc, dính, có lẫn một ít vệt máu màu hồng. Đây có là dấu hiệu bong nút nhầy tử cung và ra huyết hồng sắp sinh.
Màu sắc bất thường của khí hư cần cảnh giác
Ngoài vấn đề có thai khí hư màu gì là bình thường? Mẹ cũng cần quan tâm mang thai khí hư màu gì là bất thường? Nếu khí hư khi mang thai có màu, tính chất và các dấu hiệu sau thì bà bầu nên đi khám:
1. Màu trắng và vón cục
Bà bầu ra dịch màu trắng, đặc sệt, vón cục, trong giống như phô mai thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nấm men.
Đây là tình trạng rất thường gặp trong thai kỳ. Ngoài việc khí hư có màu trắng, vón cục thì bạn có thể bị ngứa ngáy, đau rát khi đi tiểu hoặc quan hệ.
2. Ra khí hư màu vàng và màu xanh
Bà bầu ra khí hư màu vàng khi mang thai hoặc ra khí hư màu xanh khi mang thai có thể dấu hiệu cảnh báo các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), chẳng hạn như chlamydia hoặc trichomonas.
Nếu mắc phải các bệnh lý này, bà bầu có thể bị nổi mẩn đỏ hoặc kích ứng ở bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, đôi khi các bệnh lý này không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến hệ thần kinh, sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe mẹ bầu.
3. Ra khí hư màu xám đục, quánh như keo
Nếu khí hư khi mang thai có màu xám đục, quánh như keo, để lâu có thể khô, cứng thì có thể là do viêm âm đạo do vi khuẩn, đặc biệt nếu dịch âm đạo có mùi tanh hoặc trở nên nồng hơn sau khi quan hệ.
Viêm âm đạo thường là dấu hiệu của sự mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo. Thói quen thụt rửa và quan hệ tình dục quá thường xuyên có thể là các yếu tố làm nguy cơ bị viêm âm đạo khi mang thai.
4. Ra khí hư màu nâu hoặc màu hồng khi mang thai
Ra khí hư màu nâu khi mang thai và ra khí hư màu hồng có thể là một hiện tượng bình thường nếu xảy ở tháng đầu của thai kỳ hoặc gần ngày chuyển dạ.
Ở tháng đầu của thai kỳ, hiện tượng ra dịch màu nâu có thể là máu báo thai, còn ở những tháng cuối thì có thể là dấu hiệu sắp sinh.
Tuy nhiên, một số trường hợp cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề nguy hiểm hơn như sảy thai, thai lưu, nhiễm trùng âm đạo… Đặc biệt, nếu bà bầu ra khí hư màu nâu đen thì cần đi khám ngay.
5. Khí hư có lẫn máu
Khí hư có lẫn máu khi mang thai có thể là một dấu hiệu nguy hiểm, đặc biệt nếu máu chảy nhiều, có cục máu đông hoặc xuất hiện cùng với tình trạng đau bụng.
Đây là có thể là dấu hiệu sẩy thai sớm hoặc thai ngoài tử cung. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác khiến khí hư có lẫn máu là nhiễm trùng, dấu hiệu sinh non…
Có thể bạn quan tâm: Ra huyết trắng khi mang thai – Mẹ nên chăm sóc vùng kín như thế nào?
Bà bầu bị ra khí hư khi mang thai: Khi nào nên đi khám?
Màu sắc và tính chất của khí hư khi mang thai thay đổi là điều bình thường. Tuy nhiên, dù vậy, bạn vẫn nên đi khám ngay nếu:
- Khí hư có màu vàng, xanh lục hoặc xám
- Có mùi hôi khó chịu
- Nổi mẩn đỏ, ngứa hoặc sưng âm hộ.
Dù khí hư ra nhiều khi mang thai không phải là điều đáng lo nhưng bà bầu vẫn nên chú ý chăm sóc, vệ sinh vùng kín để hạn chế viêm nhiễm:
Nếu phát hiện khí hư có mùi hoặc tính chất bất thường bạn nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Có thể bạn quan tâm: Giải pháp nào cho mẹ bị ngứa vùng kín khi mang thai?